HSKK là chứng chỉ tiếng Trung được viết tắt là 口语 (汉语水平口语考试 (Hanyu Shuiping Kouyu Kaoshi). Đây là bài thi đánh giá trình độ biểu đạt khẩu ngữ của người học tiếng Trung Quốc được thi dưới hình thức thu âm.
2. HSKK Cao cấp là gì?
HSKK cao cấp là chứng chỉ đánh giá người học tiếng Trung đã học và sử dụng thành thạo khoảng 3000 từ vựng, người học có thể sử dụng tiếng Trung giao tiếp một cách tự tin trong mọi tình huống và có khả năng phân tích ngôn ngữ tốt cũng như diễn đạt trôi chảy. Chứng chỉ này khác với một số chứng chỉ tiếng Trung khác khi chứng chỉ này chỉ có hiệu lực trong vòng 2 năm và sau 2 năm thì người học cần phải thi lại để cấp chứng chỉ mới.
3. Cấu trúc đề thi HSKK cao cấp
Cấu trúc của đề thi HSKK cao cấp có một số sự khác biệt so với cấu trúc đề thi HSKK sơ cấp và trung cấp, cụ thể cấu trúc đề thì HSKK cao cấp như sau:
Cấu trúc đề gi gồm 3 phần với 6 câu hỏi. Thời gian làm bài khoảng 25 phút (bao gồm 10 phút chuẩn bị):
- Phần nghe và nhắc lại (3 câu – 6 phút): Trong phần này sẽ có tổng cộng 3 đoạn văn ngắn mỗi đoạn kéo dài 2 phút, máy sẽ đọc từng đoạn cho bạn nghe. Sau khi đọc hết sẽ có tiếng “Ting” lúc này bạn sẽ nói lại nội dung bạn đã được nghe.
- Phần đọc diễn cảm đoạn văn (1 câu – 2 phút): Trong phần này bạn sẽ nhìn đoạn văn và đọc lại đoạn văn này trong vòng 2 phút.
- Phần trả lời câu hỏi (2 câu – 5 phút): Trong phần này bạn sẽ cần trả lời 2 câu hỏi xoay quanh các vấn đề hàng ngày.
4. Để thi tốt HSKK cao cấp cần chuẩn bị những gì?
Để thi thật tốt chứng chỉ HSKK cao cấp này các bạn cần tập cũng như chuẩn bị kỹ những vấn đề như sau:
- Tập nói thật to, rõ ràng
Tại sao? Bởi phòng thi rất đông người (ít thì 20 người, nhiều thì lên tới 40 người), mỗi người được trang bị 1 máy tính và 1 tai nghe, khoảng cách xa nhất có lẽ chỉ khoảng 1m.
Cứ tưởng tượng cả phòng thi 30, 40 người cùng trả lời câu hỏi một lúc, bạn nói bé thì ngay cả chính bạn cũng chẳng nghe thấy giọng mình huống chi là máy ghi âm.
Giáo viên chấm thi qua file ghi âm, nếu không nghe rõ giọng thí sinh thì họ lấy căn cứ đâu để cho bạn điểm cao.
- Nắm vững kiến thức, vốn từ vựng đa dạng
Trong đề thi HSKK Cao cấp, phần 1 và phần 3 là phần bạn cần trang bị vốn từ đa dạng, phong phú cũng như nắm vững các cấu trúc ngữ pháp để có thể nói một cách lưu loát, có thể tùy cơ ứng biến.
Phần nói muốn ăn điểm và hay thì bạn không cần quá quan tâm đến các cấu trúc ngữ pháp phức tạp. Chỉ nên nói các câu đơn giản, ngắn gọn. Diễn đạt ý rõ ràng, không cần dây dưa. Vì thời gian trả lời các câu hỏi là có hạn. Nếu nói quá dài, diễn đạt quá lâu sẽ không có một câu trả lời hoàn thiện.
- Luyện nghe mà không cần nhìn sub
Thông thường khi luyện nghe, nếu được nhìn sub chữ Hán hay pinyin thì sẽ dễ nhớ hơn. Tuy nhiên khi đi thi thì bạn sẽ không được nhìn. Vì vậy, bạn nên luyện nghe qua các audio và tự lặp lại để luyện khả năng nghe, nhớ, đọc của mình nhé!
Đối với thi HSKK Cao cấp, cái khó của phần nghe – nhắc lại là phần nội dung nói khá dài, nội dung của phần này sẽ khó hơn so với thi Trung cấp. Trong đó phạm trù kiến thức khoai nhất phải kể đến là phần audio về kiến thức khoa học, lý luận. Khi gặp những câu như vậy, bạn không thể nào dựa theo key hoặc cốt truyện để trả lời mà cần nhớ gần như toàn bộ nội dung đoạn văn.
5. Làm thế nào để vượt qua bài thi HSKK cao cấp
- Phần 1: Nghe và nhắc lại
Cũng giống như HSKK trung cấp đều có dạng bài nghe và thuật luật nhưng ở HSKK cao cấp thì sẽ khó hơn nhiều vì họ sẽ cho chúng ta nghe 3 đoạn văn, chứ không phải là những câu ngắn như HSKK trung cấp nữa. Bởi vậy, ngoài việc tăng cường luyện nghe không cần nhìn text thì bạn nên luyện được cách vừa nghe vừa ghi lại các ý chính, rồi từ các ý chính đó bạn sẽ thuật lại nội dung một cách đầy đủ nhất.
- Vì vậy chúng ta sẽ phải luyện ghi chép như thế nào?
Đầu tiên, bản ghi của bạn cần ghi được 6 yếu tố sau: thời gian, địa điểm, nhân vật, nguyên nhân, quá trình, kết quả. Trong đó 3 yếu tố chính bạn phải ghi thật chính xác đó là THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM, NHÂN VẬT, bởi đây là những thông tin chúng ta không thể thay đổi hay bịa ra được, mà nếu không ghi thì sẽ dễ quên hoặc nhớ nhầm, và như thế thì rất dễ bị trừ điểm, vậy nên bạn lưu ý ghi chuẩn các yếu tố này nhé.
Không nên viết cả câu bởi vì bạn chỉ được nghe mỗi đoạn một lần thôi, nên ghi từng câu trong đoạn ra nháp sẽ không kịp thời gian, thậm chí còn khiến bạn không nghe được những câu sau. Chỉ ghi từ khóa chính và kết hợp với cả việc lắng nghe thì khi nhìn lại nháp để thuật lại, chỉ cần nhìn từ khóa thôi là bạn vẫn hiểu được ý của câu đó. Bạn nên ghi chép mỗi ý một dòng (theo đúng thứ tự xuất hiện trong bài nghe). Như thế thì bản ghi của bạn cũng sáng sủa, rõ ràng mạch lạc hơn, khi bạn nhìn vào để thuật lại cũng sẽ tránh được sự nhầm lẫn và không bị nói sai thứ tự các ý chính.
Nếu nghe đến từ nào không biết thì hãy nhanh chóng ghi bằng pinyin, đừng mất thời gian cố đoán xem từ đó chữ Hán viết thế nào hay có nghĩa ra sao, nếu không thì sẽ ảnh hưởng đến việc nghe câu tiếp theo.
Sau bước nghe + ghi chép là bước quan trọng nhất: thuật lại cả đoạn. Cách phát âm là một trong những yếu tố quan trọng quyết định điểm bài thi của bạn. Nên bạn cần chú ý phát âm thật chuẩn các âm /sh/, /z/, /ch/, /zh/, /n/, /l/, /q/, /j/…. và đúng thanh điệu, đặc biệt là thanh 1 và thanh 4. Bên cạnh đó, khi nói bạn cũng cần phải ngắt nghỉ đúng nhịp, nhất là với những câu dài và điều chỉnh tốc độ sao cho thật vừa phải. Thời gian để bạn thuật lại cho mỗi đoạn là 2 phút, nếu bạn đọc quá chậm, giọng kéo dài hoặc bạn hay thêm mắm dặm muối những từ “à”, “ờ” thì bài nói của bạn sẽ rất dễ gây mất thiện cảm. Chưa nghĩ ra câu tiếp theo thì bạn có thể ngừng nghỉ 1, 2 nhịp rồi lại nói tiếp. Hoặc nếu bạn nói quá nhanh thì sẽ dễ bị vấp, bị phát âm sai.
Hãy nhớ, điều quan trọng của dạng bài này là bạn nhớ được của đoạn văn gốc và diễn đạt lại. Vì vậy, bạn không nên quá ỷ lại vào câu gốc và không cần phải thuật lại y hệt từng câu từng chữ của họ. Nếu người ta dùng từ khó, thành ngữ khó mà bạn không biết thì có thể bỏ qua, bạn chỉ cần lấy ý chính hoặc keyword mà thôi, nên hãy chú trọng nắm bắt ý chính, các yếu tố chính như mình chia sẻ ở trên và thuật lại theo cách diễn đạt của bạn nhé!
- Với các đợt thi HSKK cao cấp được tổ chức thi tại nhà thì phần Nghe và thuật lại này không được note ra giấy nháp, vì vậy độ khó sẽ càng tăng thêm khi bạn phải phát huy tối đa trí nhớ của mình. Vậy làm thế nào để nhớ và cần nhớ những gì?
Khi thi không được ghi chép, nhưng khi ôn luyện ở nhà bạn cũng đừng bỏ qua bước ghi chép này. Trong giai đoạn đầu ôn luyện HSKK cao cấp, bạn vẫn tiến hành việc vừa nghe vừa ghi các ý chính như mình đã chia sẻ ở trên, việc luyện ghi như thế sẽ giúp bạn hình thành được phản xạ và nhanh chóng xác định được những ý chính, keywords mình cần phải nhớ. Luyện dần như thế để tạo cho bản thân thói quen, sau đó khi cảm thấy việc ghi chép đã ổn rồi bạn sẽ dần chuyển sang chỉ nghe + nhớ. Lúc này thì bạn đã có phản xạ rồi, bạn có thể chỉ nghe và ghi nhớ một cách “có chọn lọc”.
- Phần 2: Đọc đoạn văn
Phần này chủ yếu kiểm tra khả năng phát âm chuẩn, đọc diễn cảm và nhận mặt chữ Hán. Vì vậy nếu bạn thấy chỗ nào khó đọc, sợ bị sai thì trong khi chuẩn bị hãy viết pinyin ra giấy trước. Hãy tập trung và tránh ngắt ngứ khi đọc.
Bạn sẽ có 10 phút để chuẩn bị cho phần 2 và phần 3, mình nghĩ bạn nên dành ra 1,5 -2 phút để đọc qua bài này. Sẽ có nhiều bạn nghĩ đây là bài dễ nên dành gần hết số thời gian chuẩn bị cho phần 3. Đúng đây là bài dễ ăn điểm, nhưng nếu không đọc qua trước thì bạn sẽ rất dễ bị đọc vấp hoặc đọc ngắt ngứ. Vì vậy vẫn phải thật cẩn thận và chuẩn bị bài thật tốt nhé!
Trong trường hợp gặp phải từ mới không biết đọc thế nào thì một là bạn có thể dựa vào bộ biểu âm có trong từ đó, ví dụ như từ “清”, bạn không biết đọc thế nào nhưng thấy từ này có bộ 青, vậy là bạn sẽ đoán được từ này đọc là /qīng/.
Có thể nói đây là phần dễ lấy điểm nhất trong 3 phần của bài thi HSKK cao cấp, nên để ăn chắc điểm tối đa phần đọc đoạn văn này thì mỗi ngày bạn hãy luyện đọc thật nhiều nhé. Chọn những đoạn văn sưu tầm trên mạng hoặc trong sách và đọc to thành tiếng, đọc thật diễn cảm và rèn phát âm sao cho thật chính xác.
- Phần 3: Trả lời câu hỏi
Phần này có 2 câu hỏi, trong đó câu 5 thường là những câu hỏi tự sự, miêu tả về sở thích, ước mơ, công việc, bạn bè, gia đình,….; câu 6 sẽ là các câu hỏi nghị luận, yêu cầu bạn nêu quan điểm hoặc cách nhìn nhận về một vấn đề trong đời sống, xã hội.
Thời gian để trả lời mỗi câu chỉ có 2,5 phút. Trong 2,5 phút này, bạn sẽ phải trình bày ngắn gọn, súc tích và nêu bật được quan điểm của mình đối với mỗi câu hỏi được đưa ra. Vì thời gian có hạn, nên bạn cần phải nói đúng trọng tâm nội dung mà đề bài yêu cầu, tuyệt đối không được nói lan man dài dòng mà không làm nổi bật được trọng tâm.
Trong thời gian chuẩn bị cho phần này, việc quan trọng nhất bạn cần làm đó là viết dàn ý cho 2 bài nói. Dàn ý phải đầy đủ 3 phần gồm có mở bài, thân bài và kết bài
- Mở bài: Đầu tiên bạn nên bắt đầu bài nói của mình bằng câu “尊敬的各位老师,您好。题目已收到,我开始回答” để gây ấn tượng tốt với giám thị chấm thi. Sau đó bạn sẽ nêu trực tiếp chủ đề của bài nói ngay ở phần mở này để người chấm thi biết bạn đang nói về vấn đề gì. Ví dụ nếu câu hỏi là “你认为小孩子该不该有零花钱?为什么?” thì bạn nên nêu luôn quan điểm của mình, như “孩子该不该有零花钱?从我个人的角度认为,孩子应该有零花钱”.
- Thân bài: Sau khi nêu quan điểm ở phần mở bài rồi thì ở thân bài bạn sẽ ghi ra các luận điểm, trong luận điểm sẽ có dẫn chứng để chứng minh, giải thích rằng tại sao bạn lại có quan điểm đó. Dẫn chứng ở đây cũng có thể là các ví dụ, nếu hợp lý thì ví dụ bạn có thể liên hệ tới chính bản thân mình để dễ liên tưởng hơn nhé.
- Kết bài: Khẳng định lại một lần nữa quan điểm của bạn và thêm câu kết bằng một lời cảm ơn như “我的演讲到此结束,谢谢您收听”.
Hy vọng qua những chia sẻ trên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn và nắm vững những kinh nghiệm ôn luyện để đạt điểm cao trong bài thi HSKK cao cấp nhé!
Hán Ngữ Trần Kiến đang có chương trình “BỐC THĂM MAY MẮN, NHẬN NGAY QUÀ XỊN”. Nếu bạn muốn biết thêm thông tin cụ thể hãy liên hệ ngay cho Hán Ngữ Trần Kiến nhé!
Thông tin liên hệ:
Tham khảo thêm: